Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (The Fourth Industrial Revolution) đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, lan tỏa trên khắp mọi ngành nghề trong đó không thể thiếu ngành dịch vụ du lịch với nhiều ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông kết nối mạng một cách mạnh mẽ nhất.
Để giúp các doanh nghiệp cũng như các nhà nghiên cứu có cơ hội thảo luận cùng nhau ở cả hai lĩnh vực nghiên cứu học thuật và thực trạng ứng dụng trong kinh doanh trong tiến trình cách mạng hóa này, Viện Du lịch đã tổ chức buổi hội thảo khoa học với chủ đề “Ứng dụng Công nghệ Thông tin trong Du lịch: Xu hướng và giải pháp đón đầu trước hội nhập ngành du lịch Việt Nam”, hội thảo diễn ra sáng ngày 26/05/2017.

Hội thảo đã thu hút được rất nhiều diễn giả, nhà nghiên cứu, giảng viên từ lĩnh vực Công nghệ Thông tin, Du lịch trên khắp cả nước và cả nghiên cứu sinh từ nước ngoài gửi bài báo về. Sau khi thông qua các hội đồng phản biện và chỉnh sửa của các tác giả, ban tổ chức đã chọn ra được hai mươi bốn bài báo cáo có chất lượng để đăng trên kỷ yếu của hội thảo.
Trong ngày báo cáo tham luận diễn ra từ 08h00-12h00 ngày 26/05/2017, Ban tổ chức đã chọn ra năm bài báo cáo để trình bày tham luận dựa trên sự đa dạng về đối tượng nhằm đảm bảo sự cân bằng giữa tính học thuật và ứng dụng, thu hút được sự thảo luận của các đối tượng được mời đến tham dự hội thảo.

Mở đầu, TS. Lê Ngọc Thạnh – Trưởng khoa Công nghệ Thông tin Kinh doanh – UEH báo cáo tham luận về nghiên cứu của ông và cộng sự với chủ đề “Phân tích cảm xúc dựa trên dữ liệu mạng xã hội và ứng dụng trong nghiên cứu sự hài lòng của khách du lịch”, phần trình bày theo đánh giá của các khách mời là thú vị và hợp với xu thế tất yếu của dòng chảy hiện tại. Sau khi báo cáo tham luận, các khách mời cũng đặt ra rất nhiều câu hỏi về Big Data mà ông đã trình bày ví như: “Đối phó với vấn đề dấu trong tiếng Việt khi xử lý dữ liệu Big Data? Hay như “vấn đề thang đo trong đo lường cảm nhận khác hàng thông qua Big Data này? Phần trao đổi thảo luận diễn ra sôi nổi, ban tổ chức cũng nhận được rất nhiều phản hồi tích cực về tính ứng dụng của nghiên cứu này.



Tiếp theo, TS. Lưu Tiến Thuận đến từ Đại học Cần Thơ báo cáo tham luận tại hội thảo với chủ đề “Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tìm kiếm trực tuyến thông tin du lịch của người dân thành phố Cần Thơ”. Trong nghiên cứu này, mẫu quan sát được các khách mời đến từ doanh nghiệp lữ hành Bến Thành Tourist cho rằng chưa phù hợp với thực tế cụ thể mẫu do tác giả thu thập với số lượng người từ 35 tuổi – 45 tuổi chiếm trọng số cao nhất đến hơn 35%, trong khi đó thực tế theo doanh nghiệp nghiên cứu hiện nay giới trẻ ở độ tuổi từ 18-35 mới là thành phần sử dụng internet để tra cứu thông tin du lịch trực tuyến. Một số câu hỏi được đặt ra là “Mẫu khảo sát người dân địa phương có thực sự đại diện cho tổng thể? Kết quả nghiên cứu có tương đồng với phần chung của Việt Nam? Vấn đề mâu thuẩn về độ tuổi trong bài nghiên cứu giữa thực tế và lý thuyết? Chia sẻ của người sử dụng dịch vụ có ảnh hưởng tích cực đến hành vi của các khách khác? Thì đây là những câu hỏi mà tác giả đồng ý xem xét lại trong quá trình nghiên cứu sắp tới.


Sau phần nghỉ giải lao và giao lưu giữa các doanh nghiệp và nhà nghiên cứu, ThS. Thái Kim Phụng – Khoa Công nghệ Thông tin Kinh doanh – UEH là người báo cáo tham luận mở màn cho phần 2 của hội thảo với chủ đề “Hệ tư vấn thông tin theo ngữ cảnh – Một xu hướng mới trong lĩnh vực du lịch”- được nghiên cứu bởi ThS. Thái Kim Phung và ThS. Phan Hiền, câu hỏi được thảo luận với chủ đề này là “Có ứng dụng rộng rãi được trong ngành du lịch hay không? Có giải pháp nào hạn chế việc hủy đơn hàng hay không để giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp?”…thông qua thảo luận các câu hỏi, tác giả có thể định hướng nghiên cứu để phù hợp với yêu cầu thực tế của các doanh nghiệp kinh doanh trong từng lĩnh vực hoặc từng loại hình du lịch riêng biệt.

Nối tiếp với chủ đề trên, một lĩnh vực cũng đang được xem là nóng sốt của lĩnh vực du lịch hiện nay là các hãng vận chuyển. Chủ đề này được báo cáo bởi Ông Nguyễn Minh Nhật – Công ty Mạng Cộng đồng Đi Chung, bài báo ứng dụng “Hệ sinh thái kinh doanh du lịch vận chuyển hành khách du lịch trong thời đại công nghệ kỹ thuật số” được nghiên cứu bởi Ông Nguyễn Minh Nhật và ThS. Phạm Thanh Thúy Vy. Qua đó cho thấy được hệ sinh thái các phương thức vận chuyển khi được kết hợp với công nghệ kỹ thuật số giúp cho cả doanh nghiệp kinh doanh và hành khách giảm được chi phí đáng kể nếu giải pháp phù hợp với môi trường kinh doanh du lịch tại Việt Nam. Câu hỏi được đặt ra với các tác giả là “Giải pháp nào để hạn chế việc vận chuyển khách một chiều? Hệ sinh thái có những đặc điểm nào có thể ứng dụng tại Việt Nam?”… đây là những điều mà các doanh nghiệp vận chuyển đặt ra để đảm bảo tính khả thi của nghiên cứu nếu ứng dụng vào thực tiễn tại Việt Nam.

Cuối hội thảo, TS. Nguyễn Đức Trí – Viện trưởng Viện Du lịch – UEH có phần báo cáo tham luận về nghiên cứu của ông với chủ đề “Sử dụng ứng dụng di động trong hoạch định chuyến đi: Vai trò động lực của trải nghiệm”, tại đây ông đưa ra 9 định luận về nghiên cứu này để đưa vào nghiên cứu dữ liệu trong thực tiễn sắp tới, trong đó mô hình đề xuất các tác động dương của các trải nghiệm tích cực với ứng dụng di động sẽ làm tăng tần số ứng dụng di động để hoạch định chuyến đi của khách du lịch”. Đây là bài cáo cáo với điểm nhấn mạnh nhất về nghiên cứu hàn lâm trong khuôn khổ buổi hội thảo này.


Đại diện nhà tài trợ S- Wifi Ông Võ Minh Hải phát biểu đồng tình về tính năng động và đáp ứng yêu cầu thực tế mà các nghiên cứu đem lại, bên cạnh đó cũng nhấn mạnh việc các nhà nghiên cứu và người làm kinh doanh cần hợp tác sâu rộng hơn nữa để giúp các doanh nghiệp du lịch phát triển bền vững trong tiến trình cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 này.

Tiếp theo sau đó, TS. Nguyễn Đức Trí – Viện trưởng, ThS. Nguyễn Thị Minh Ngọc – Phó Viện trưởng – Viện Du lịch trao giấy chứng nhận cho sự đóng góp của các nhà phản biện giúp hỗ trợ ban tổ chức đóng góp chỉnh sửa các bài báo cáo cũng như các nhà nghiên cứu đến trình bày tại Hội thảo ngày 26/05/2017


Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp, để lại kết thúc mở và câu hỏi thảo luận sẽ được tiếp tục đào sâu bởi các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp.

Biên tập: Thu Thủy
Nguồn: Viện Du Lịch